Doanh nghiệp học được gì từ cách “dập tắt” khủng hoảng

Tóm tắt khủng hoảng

Không cần đánh giá quá sâu về kỹ thuật cũng nhận thấy “sự cố” này đủ các yếu tố cấu thành khủng hoảng truyền thông. Sự việc bắt nguồn vào tối ngày 29/10, group anti Hương Giang cán mốc 100.000 thành viên. Group liên tục đào bới lại đủ mọi loạt phốt, từ thái độ cho tới hành động, các phát ngôn ngược của Hương Giang được mang ra bàn tán mổ xẻ. Cái tên “Nữ hoàng đạo lý” được gán cho cô sau khi nàng Hậu liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình trong thời gian gần đây, hay nói triết lý từ chương trình này sang chương trình khác.

Và sự việc tiếp tục đẩy lên cao trào khi nàng Hậu lên tiếng đáp trả. Chiều ngày 20/10, Hương Giang viết bài phản pháo mọi cáo buộc của anti-fan trên Facebook và cho biết sẽ “làm đến cùng vụ này theo Pháp luật”. Chưa hết, cô cũng nhờ công an vào cuộc để làm rõ trắng đen như lời tuyên bố trước đó, đồng thời cho ra mắt series “Sao kết bạn cùng Antifan” để dằn mặt những người đã bôi nhọ danh dự của mình. Video đầu tiên với tựa đề “Hương Giang đến trực tiếp nhà người bôi nhọ danh dự và cái ôm xóa bỏ tất cả” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của tất cả công chúng, tốn không ít giấy mực khi các trang báo điện tử, trang tin liên tục đưa tin.

 

>> Xem thêm: Cuộc đua “rapper” của các thương hiệu cuối năm: Khi cảm hứng sáng tạo lạc vào thế giới tự do

Mức độ leo thang của khủng hoảng 

Hương Giang là ca sĩ, người chuyển giới nổi tiếng ở Việt Nam, được coi là một trong những celebrity hạng A của showbiz. Bắt đầu hoạt động giải trí từ năm 2012, Hương Giang sở hữu cho mình bảng dài thành tích. Cô phát hành nhiều album nhạc, ra mắt tự truyện, làm MC, tham dự cuộc thi sắc đẹp, trình diễn thời trang, làm đại sứ nhãn hàng, kinh doanh riêng… Cô đạt nhiều giải thưởng trong các chương trình giải trí, đăng quang ngôi vị Hoa hậu trong cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới ở Thái Lan. Uy tín hơn cả, Giang còn lọt Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội do Forbes bình chọn.

Không bàn đến việc Hương Giang đúng hay sai sau loạt phốt trong quá khứ hay những phát ngôn bất nhất bởi còn tùy quan điểm cá nhân của mỗi người, nhưng có vẻ như cách xử lý truyền thông của nàng Hậu trong sự việc lần này lại được công chúng nhận định là chưa khôn khéo và có quá nhiều “sạn”, điều này đã vô tình khiến hình ảnh Hương Giang dày công 8 năm xây dựng ảnh hưởng ít nhiều.
Ảnh: Kenh14
Và hậu quả trước mắt mà khủng hoảng để lại đó là không ít các nhãn hàng, chương trình có Hương Giang tham gia đều bị ảnh hưởng. Ngày 29/10, một nhãn hàng đã quyết định gỡ tên Hương Giang trong bài thông báo buổi livetream mặc dù trước đó tên cô đã được đính trên poster quảng bá.
Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận khán giả còn tạo sức ép khi yêu cầu Hương Giang rời khỏi vị trí khách mời chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020 vòng Chung kết toàn quốc.
Gần nhất là ngày 1.11, trong chương trình livetream của Hương Giang và Thúy Ngân với một nhãn hàng, khán giả đã liên tục bày tỏ cảm xúc phẫn nộ dưới video cùng hashtag #taychayHuongGiang. Xuyên suốt 30 phút của chương trình, camera chỉ quay cận nàng Hậu vỏn vẹn 2 lần.
Có thể thấy, mức độ leo thang của khủng hoảng lần nhanh tăng theo cấp số nhân. Bị tẩy chay, nhãn hàng hủy hợp tác, người hâm mộ quay lưng, Hương Giang đang chịu tổn thất vô cùng to lớn.

Doanh nghiệp học được gì từ khủng hoảng truyền thông của Hương Giang?

Có thể thấy, cách xử lý khủng hoảng của Hương Giang về cơ bản đã bám sát 4 bước: nhanh chóng có bài post trên Facebook, nhờ pháp luật can thiệp, và tạo sự đồng cảm với mọi người thông qua series “Sao kết bạn cùng Antifan”. Dù rằng cách xử lý này được nhiều chuyên gia nhận xét có một vài điểm chưa thỏa đáng, Hương Giang lần này có phần nóng giận và vội vàng trong việc xử lý vấn đề xong điều cần thiết nhất vẫn là phản ứng nhanh và kịp thời khi có khủng hoảng.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng xử lý một cách “khôn ngoan” khi rơi vào bẫy khủng hoảng. Nếu không có cách giải quyết ngọn ngành, thấu đáo thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Dưới đây là một số bước cần lưu ý để doanh nghiệp có thể tìm và “dập tắt” khủng hoảng nhanh nhất:

  • Nhận thức vấn đề khủng khoảng 

Đây là điều đầu tiên doanh nghiệp cần chú ý khi xảy ra khủng hoảng. Người đứng đầu cần nhận thức rõ mọi người đang nói gì về thương hiệu, nhãn hàng, vấn đề doanh nghiệp bạn đang gặp phải cũng như biết rõ vị trí thương hiệu của mình trong mắt xã hội nói chung và khách hàng nói riêng hiện lên ra sao?

  • Thu thập các dữ kiện 

Khi khủng hoảng diễn ra, ban quản lý cần thu thập thông tin trong suốt quá trình giải quyết. Thông tin nào là giả, thông tin nào gây bất lợi cho chủ thể. Mọi hành động và quyết định cần nhanh chóng để ổn định tình thế.

  • Nắm thế chủ động, liên lạc với truyền thông 

Truyền thông là con dao 2 lưỡi với các doanh nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng, nếu tạo mối quan hệ tốt với truyền thông thì nó sẽ biến thành công cụ hữu ích, định hướng và ổn định dư luận theo chiều hướng doanh nghiệp mong muốn. Ngược lại truyền thông rất có thể là “mồi lửa” thổi bùng sự việc đi xa hơn.

  • Tạo sự đồng cảm với mọi người

Nếu đang bị công kích, hãy thể hiện mình là người hiểu chuyện và có tinh thần chịu trách nhiệm trước lỗi lầm. Đừng quên ngoài những luồng tin tiêu cực thì bạn vẫn còn những fan trung thành bện cạnh, hãy tận dụng họ để tạo lợi thế cho mình. Cư dân mạng có thể rất hung hăng nhưng cũng rất dễ nguôi giận.

Kết

Không một nghệ sĩ hay thương hiệu nào lại mong muốn gặp khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên nó có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng cần làm là biết chính xác nguồn cơn của bê bối, kìm hãm nó kịp thời khi có vấn đề khủng hoảng. Biết lợi dụng khéo léo, khủng hoảng có thể làm “lật ngửa” tình thế và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nghệ sĩ. Như chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long từng nói: “Với doanh nghiệp “non tay” người ta sợ khủng hoảng còn hơn sợ cọp. Còn với những người “chắc tay” họ mong có khủng hoảng truyền thông”.

Để lại lời nhắn